Hãy cùng tôi quay ngược lại thời gian 6 tháng trước cho đến bây giờ và xem vào những ngày nhận tiền lương hay tiền thanh toán dịch vụ từ khách hàng, bạn sử dụng “thanh toán cho bản thân trước tiên” hay khoản chi tiêu nào.
Hãy tích vào ô trống bên dưới những việc bạn đã làm hoặc điền thêm vào dấu ba chấm.
🔲 Lao ra cửa hàng hoặc lên sàn thương mại điện tử mua ngay món đồ bạn thích
🔲 Đặt cọc tiền khách sạn cho chuyến du lịch sắp tới
🔲 Mua quà tặng cho người bạn yêu quý hay mua sắm đồ cho con cái đối với những bạn đã có gia đình
🔲 Đi siêu thị/chợ mua sắm đồ và chất vào tủ lạnh
🔲Trả tiền thuê nhà, tiền điện nước hoặc tiền gửi xe
🔲Trả tiền vay nợ từ thẻ visa, trả góp, tiền vay mượn bạn bè hoặc người thân
🔲 Đi ăn một bữa ăn ngon
🔲 Chuyển một phần tiền vào tài khoản đầu tư
🔲 Chuyển một phần tiền vào tài khoản tiết kiệm
🔲 Đóng tiền bảo hiểm
….
Trong những ô tích ở trên hay phần bạn liệt kê có phần nào nằm trong mục “thanh toán cho bản thân đầu tiên” không?
Tôi đã từng làm bài test nhỏ này tại trung tâm nơi tôi làm việc trước đây với khoảng 30 người, thì số người chọn vào 3 ô cuối cùng đầu tiên chiếm chưa đến 10%. Hầu hết mọi người sẽ lựa chọn trả hoá đơn, nợ nần, ăn ở, giải trí… và nếu còn dư thì mới chuyển vào tài khoản tiết kiệm của mình hoặc thậm chí là không và âm tài khoản. Đó cũng chính là lý do hầu hết mọi người thường gặp khó khăn với việc tiết kiệm bởi vì họ “trả lương” cho chính mình cuối cùng.
Khái niệm “thanh toán cho bản thân trước tiên”
“Thanh toán cho bản thân trước tiên” là khi bạn kiếm ra tiền, dù ít dù nhiều, trước khi chi cho bất kỳ cái gì khác, bạn sẽ để ra một phần để lo cho tương lai. Ví dụ như: quỹ hưu trí, quỹ khẩn cấp, quỹ dự phòng, quỹ đầu tư, bảo hiểm ̣(bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ…).

Vì sao bạn phải “thanh toán cho bản thân trước tiên”?
Chi phí của một cá nhân thường được chia thành hai loại: chi phí thiết yếu và chi phí tùy ý.
Chi phí thiết yếu: Các hóa đơn bạn phải thanh toán ngay như tiền thuê nhà, tiền điện, nước, internet; những thứ giúp bạn có cuộc sống khỏe mạnh như thức ăn, thuốc; và những thứ bạn cần để làm việc như đồng phục công ty.
Chi phí tùy ý là loại chi phí bạn không cần phải chi tiêu đến nhưng nó vẫn có thể tồn tại như giải trí, đi du lịch, mua sắm quần áo, trang trí nhà cửa, đi ăn nhà hàng, mua thẻ tập gym…
Khi bạn chỉ tiết kiệm số tiền còn lại vào cuối tháng, bạn đang đặt tiền tiết kiệm cho tương lai vào tài khoản chi phí tùy ý. Nếu bạn chi tiêu quá mức so với khả năng kiếm được, số tiền còn lại vào cuối tháng sẽ về 0 hoặc thậm chí là âm.
Tuy nhiên, nếu bạn bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm và tài khoản chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn trong tương lai, thì tiết kiệm sẽ trở thành một khoản trong chi phí thiết yếu. Và khi bạn trả cho bản thân toán trước nghĩa là bạn đang quyết định rằng: Hạnh phúc tài chính dài hạn của bạn là “hóa đơn” quan trọng nhất mà bạn phải trả.
Mô hình hoạt động của phương pháp “thanh toán cho bản thân trước tiên”
Mô hình hoạt động của phương pháp này là bạn nhận tiền lương và tự động chuyển tiền vào tài khoản dành cho các mục tiêu tài chính của bản thân trước tiên. Tuy nhiên, bạn nên áp dụng nguyên tắc 6 chiếc lọ hoặc quy tắc 50/20/30, đây là hai phương pháp giúp bạn tiết kiệm 20% thu nhập của mình và phân bổ phần còn lại cho những nhu cầu thiết yếu và mong muốn của bản thân

Các bước giúp bạn kiểm soát chi tiêu và xây dựng ngân sách “thanh toán cho bản thân trước tiên”
Bước 1: Biết rõ mình kiếm được bao nhiêu
Số tiền bạn kiếm được mỗi tháng chính là thu nhập ròng sau khi đã trừ đi thuế và phí. Với những bạn đang đi làm fulltime tại một công ty, thu nhập thường được trả theo tháng vào ngày cố định. Nhưng với các bạn đang làm việc tự do thu nhập sẽ bao gồm nguồn thu từ khách hàng thường xuyên và không thường xuyên.
Bây giờ, bạn hãy kiểm tra lại và xem tổng thu nhập mỗi tháng của mình là bao nhiêu? Các khoản thuế, phí, bảo hiểm bạn phải đóng khi nhận số tiền đó? Và thu nhập ròng sau khi đã trừ đi thuế, phí?
Mẹo
Bước 2: Ước tính số tiền bạn chi tiêu trong mỗi tháng
Hãy xem lại số tiền bạn đã chi tiêu trong 3-6 tháng gần nhất bằng cách xem lại các hóa đơn, xem lại sao kê ngân hàng, lịch sử mua sắm hoặc thậm chí nếu bạn không lưu lại thì chỉ cần xem lại chi tiêu tháng trước. Sau đó, bạn viết lại thu nhập ròng, số tiền đã chi tiêu và số tiền còn lại sau một tháng.
Đây là bước rất quan trọng để bạn bắt đầu thanh toán cho bản thân trước tiên. Nếu số tiền còn lại sau một tháng của bạn nhiều, xin chúc mừng, bạn đang chi tiêu tương đối hợp lý. Bạn có thể thanh toán cho bản thân trước tiên bằng số tiền này. Nếu số tiền còn lại của bạn tương đối ít và âm thì đây là một hồi chuông báo động bạn cần phải xem xét lại chi tiêu của bản thân. Bốn bước tiếp theo sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu và cắt giảm những chi tiêu lãng phí.
Bước 3: Theo dõi sát sao chi tiêu của bạn
Điều quan trọng nhất bạn cần làm để kiểm soát chi tiêu đó là theo dõi sát sao chi tiêu của bản thân. Cách đơn giản nhất bạn có thể làm là chuẩn bị một cuốn sổ, một cây bút và ghi chép tất cả các khoản chi vào đó hoặc sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu như Money Lover, Misa…. Đồng thời, bạn giữ lại tất cả các hóa đơn, phân loại thành chi phí thiết yếu và chi phí tùy ý, hay nếu đang sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ, 50/20/30 bạn hãy phân loại chi tiêu theo phương pháp này.
Khi bạn nhìn thấy rõ ràng chi tiêu từng ngày, bạn sẽ biết được mình có đang lãng phí tiền bạc không. Với mỗi khoản đã chi, hãy tự đặt 3 câu hỏi và trả lời:
- Khoản chi này mình tiêu với mục đích gì?
- Nó có thật sự cần thiết không?
- Nếu không có nó mình có thể thay thế bằng cái nào đang có sẵn trong nhà không?
Và 3 câu hỏi trên được áp dụng hiệu quả nhất không phải là sau khi bạn đã chi tiêu mà là trước khi bạn chi tiêu. Lúc này, bạn sẽ biết được món đồ đó có thật sự cần phải mua về không hay nó đang tiêu tốn tiền của bạn và không đem lại lợi ích gì ngoài sự thỏa mãn nhất thời.
Bước 4: Dùng tiền mặt
Tôi đã từng theo dõi sát sao chi tiêu, đặt ra mỗi tháng sẽ dành ra bao nhiêu tiền để mua sắm, tương ứng với mỗi tuần tôi được phép tiêu bao nhiêu tiền, nhưng cuối cùng số tiền tôi chi tiêu lúc nào cũng dôi ra nhiều hơn số tiền dự tính. Sau khi nghiêm túc nhìn nhận kỹ về vấn đề này, tôi mới nhận ra là mình luôn dùng thẻ ngân hàng hoặc thẻ tín dụng thanh toán mỗi lần đi siêu thị, mua hàng, trả tiền thuê nhà, tiền điện nước… Việc này khiến tôi kiểm soát mọi thứ không chặt chẽ: Tôi sẽ đi siêu thị mua những món đồ mình cần và thanh toán mà quên mất đi mình chỉ được chi tiêu trong khoảng bao nhiêu và món đồ đó có thật sự cần thiết phải mua hay không.
Sau đó, tôi quyết định thử cách khác là rút tiền mặt và cho vào 4 phong bì tương ứng với khoản tiền chi tiêu của 4 tuần trong tháng. Mỗi lần tôi đi siêu thị hay mua sắm tôi sẽ suy nghĩ trước món đồ mình cần mua và lấy tiền trong phong bì. Khi nhìn nó mỗi ngày, tôi biết mình chi tiêu bao nhiêu và còn lại bao nhiêu. Nhờ sự thay đổi này, tôi đã kiểm soát được dòng tiền và tiết kiệm thêm một khoản chi tiêu không thật sự cần thiết.
Nếu bạn cũng đã từng trải qua vấn đề giống như tôi, hãy chuyển sang chi tiêu bằng tiền mặt, bạn sẽ thấy số tiền của mình sử dụng hiệu quả hơn rất nhiều. Khi tất cả mọi thứ được trả bằng tiền mặt, sự phân chia sẽ hết sức rõ ràng, mỗi khi lấy tiền bạn sẽ biết được bên trong còn lại bao nhiêu và rồi chia nó đều hơn cho những ngày còn lại trong tháng.
Mẹo
Bước 5: Cắt giảm chi tiêu bằng thẻ tín dụng
Việc mất kiểm soát trong chi tiêu thường đến từ thẻ tín dụng vì mọi thứ đều có thể mua trước và trả sau. Thẻ tín dụng giống như một tấm vé thông hành đưa bạn đến “bẫy tiêu dùng” nhanh nhất và vướng mắc vào nợ nần. Trung bình lãi suất thẻ tín dụng hiện nay luôn nằm ở mức hai con số từ 20%/năm trở lên. Vì thế nếu số tiền chi tiêu bằng thẻ tín dụng hàng tháng vượt khả năng chi trả của bạn, bạn sẽ bị ngân hàng tính lãi suất quá hạn và thậm chí liệt vào “nợ xấu”. Khi nằm trong danh sách khách hàng “nợ xấu”, tương lai, nếu bạn muốn vay tiền ngân hàng để mua nhà, mua xe…sẽ rất khó được duyệt khoản vay.
Quan trọng
Bước 6: Luôn dành 48h để cân nhắc trước khi thanh toán giỏ hàng mua sắm online hoặc chi tiêu vượt quá 5% thu nhập.
Mua sắm ngày nay trở lên dễ dàng và nhanh chóng với vài cú click chuột. Đôi khi, chúng ta mua một món đồ chỉ đơn giản vì đẹp, bắt mắt, thấy KOL, idol sử dụng mà quên mất đi mục đích thật sự của món đồ đối với mình là gì.
Để tránh trường hợp mua sắm theo cảm tính, bạn có thể bỏ món đồ vào giỏ hàng hoặc nếu đang ở cửa hàng thì hãy ngắm nó thôi, chờ sau 48 giờ mới quay lại và quyết định có thanh toán hay không. Thời gian chờ sẽ giúp bạn loại bỏ sự bốc đồng nhất thời, đánh giá tính hữu ích của món đồ và mua sắm thông minh hơn. Ngoài ra, bạn không nên lưu lại thông tin thẻ tín dụng trên các ứng dụng mua hàng để giảm thiểu số tiền sẽ bỏ ra lãng phí và đưa ra các quyết định mua sắm dựa trên cảm xúc nhất thời.

Bây giờ, bạn đã biết vì sao chúng ta nên “thanh toán cho bản thân trước tiên” và các bước để xây dựng ngân sách trả tiền cho bạn thân. Hãy áp dụng nó ngay bây giờ và chia sẻ với chúng tôi nếu bạn cần bất kỳ sự trợ giúp nào. Phương pháp “Thanh toán cho bản thân trước” không chỉ phù hợp cho những người có thu nhập cố định hàng tháng mà còn đặc biệt hữu ích đối với những người làm nghề tự do. Bạn có thể tìm hiểu phương pháp này cùng bộ công cụ hướng dẫn trong cuốn Money Hacks.
Minh Phượng