Gần đây, mình nhận được rất nhiều câu hỏi của mọi người về việc:
- Làm sao để tiết kiệm tiền?
- Nên bắt đầu tiết kiệm tiền như thế nào?
- Có công cụ hay phương pháp nào để tiết kiệm được tiền hay không?
Thực ra có rất nhiều cách mà bạn có thể áp dụng để tiết kiệm tiền, ví dụ như:
Tiết kiệm trước, tiêu dùng sau
Tức là ngay khi có thu nhập 10 đồng, bạn sẽ ưu tiên giữ lại 2 đồng, và chỉ tiêu trong 8 đồng còn lại (nếu bạn thiết lập tỷ lệ tiết kiệm là 20% thu nhập. Mức tỷ lệ này tùy thuộc vào từng giai đoạn và do bạn quyết định). Nếu bạn mới bắt đầu, bạn có thể chọn tỷ lệ 10% sau đó tăng dần. Giống như khi bạn chưa có thói quen tập thể dục, giờ bạn bắt đầu phải tập để giảm cân, bạn cần lựa chọn những bài tập nhẹ nhàng với môn thể thao yêu thích và 15 phút mỗi ngày trước. Sau đó sẽ tăng dần độ khó và thời gian tập luyện lên.
Phân bổ tiền vào những chiếc lọ có dán nhãn
Giả sử bạn có 7 chiếc lọ: tiêu dùng (50%), tiết kiệm (10%), đầu tư (10%), giáo dục (10%), giải trí (5%), bảo hiểm (5%), từ thiện (10%). Bất cứ khi nào có thu nhập, bạn đều phải bỏ tiền vào tất cả những chiếc lọ với tỷ lệ đã quy định. Khi đó nếu bạn cần mua sắm, bạn chỉ có thể lấy tiền trong chiếc lọ “tiêu dùng”. Rõ ràng là việc đặt tên cho từng đồng tiền với những mục đích khác nhau sẽ giúp bạn có được khoản tiền tiết kiệm như mong muốn.
Chi tiêu bằng tiền mặt
Điều này nghe có vẻ không khả thi, khi mà các giao dịch thẻ và chuyển khoản đang ngày càng phổ biến. Sẽ thật phiền khi phải chi tiêu bằng tiền mặt. Tuy nhiên chính sự tiện dụng của việc quẹt thẻ, bạn sẽ không thấy “đau đớn” khi rút tiền ra trả. Bạn cũng không biết mình còn nhiều hay ít để cân nhắc hơn trước các quyết định tiêu dùng. Thậm chí nếu bạn dùng thẻ tín dụng, bạn hoàn toàn có thể chi tiêu trước, trả tiền sau, khi đó sẽ càng khó để kiểm soát chi tiêu. Và nếu thu nhập của bạn chỉ kịp đủ bù cho chi tiêu, thì rõ ràng là không thể tiết kiệm tiền được rồi!
Bạn hãy thử bắt đầu việc làm khó khăn này: nếu bạn có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, mục tiêu của bạn là tiết kiệm 5 triệu. Bạn hãy rút toàn bộ 10 triệu đồng ra để vào ví rồi quên cái thẻ đi. Không thực hiện bất kỳ một giao dịch online nào trong tháng đó cả. Tất cả chỉ dùng tiền mặt. Bạn sẽ thấy tiêu tiền mặt đem đến rất nhiều cảm xúc thật. “Sự đau đớn” khi tạm biệt những đồng tiền xương máu sẽ khiến bạn đạt được mục tiêu kiểm soát chi tiêu và tiết kiệm tiền.

Đây chỉ là 3 trong số rất nhiều cách mình có thể đưa ra cho bạn với tư cách là một Money Advisor. Nhưng thực sự thì những cách này sẽ chỉ giúp bạn chữa trị được triệu chứng mà thôi. Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề về chi tiêu, điều bạn cần làm là tìm ra nguyên nhân thực sự khiến bạn không còn dư tiền mỗi tháng.
Giống như khi bạn bị ho, bạn ra hiệu thuốc mua thuốc giảm ho. Người bán thuốc sẽ hỏi han tình hình rồi đưa cho bạn một liều thuốc. Về đến nhà, bạn uống và bạn cảm thấy đỡ hơn. Nhưng để bạn không bị ho nữa và không cần dùng thuốc cho những lần sau, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân thực sự của những cơn ho. Nếu do cảm lạnh, hãy nhớ giữ ấm cẩn thận. Nếu ho do các vấn đề của dạ dày, bạn phải chữa thật tốt cho đường ruột của mình. Nhìn chung sự chữa lành toàn diện, tăng sức đề kháng mà chính bạn phải bắt tay vào thay đổi những thói quen ăn uống sinh hoạt sẽ giúp bạn hạn chế được rất nhiều vấn đề sức khỏe. Các vấn đề liên quan đến tài chính cá nhân cũng vậy.
Để mình kể cho bạn nghe về một thí nghiệm có tên “Rat Park” (Công viên chuột).
Vào những năm 1970, một giáo sư tâm lý học tên là Bruce Alexander đã thực hiện một thí nghiệm nghiên cứu về sự khác nhau giữa cơn nghiện và điều kiện sống của những con chuột. Ông để vào lồng những con chuột 2 cốc nước.
Cốc thứ nhất chỉ chứa nước.
Cốc thứ hai chứa nước và heroin.

Khi những con chuột bị nhốt một mình trong điều kiện khắc nghiệt, chúng biểu hiện sự căng thẳng rõ rệt và chọn uống cốc nước có chất gây nghiện. Khi Bruce tạo ra một môi trường sống tốt hơn, một “công viên chuột” với rất nhiều bạn bè, những chiếc chuồng có màu sắc đẹp đẽ hơn, những ống trượt để chúng chơi đùa cùng nhau. Thật kỳ lạ là không có con chuột nào lựa chọn uống cốc nước có chứa heroin. Chúng đều lựa chọn uống cốc nước bình thường.
Thí nghiệm này cho thấy điều kiện sống ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định lựa chọn của những con chuột. Rõ ràng là khi chúng thấy vui vẻ và thoải mái, chúng đã không tìm đến chất gây nghiện.
Con người chúng ta cũng có nhiều sự tương đồng. Bạn sẽ bị “nghiện” mua sắm khi bạn không thấy thỏa mãn, không hài lòng với chính mình và cuộc sống của mình. Nếu bạn hạnh phúc và bình an, bạn sẽ không phát sinh nhu cầu “sống ảo” hay bị cảm giác không thể kiểm soát việc chi tiêu.

Ghi chú
Khi bên trong bạn thực sự đủ đầy, bạn cảm thấy hài lòng với những gì mình có, bạn sẽ ít bị cuốn theo những quảng cáo thúc đẩy việc tiêu dùng, thêm nữa, thêm nữa.Lời cuối cùng mình muốn nói với bạn, đó là cách chữa trị tận gốc, cách tốt nhất giúp bạn tiết kiệm được tiền. Hãy trở về nuôi dưỡng sự hạnh phúc thực sự từ bên trong để bạn luôn cảm thấy bình an và đủ đầy. Khi đó, bạn sẽ thấy rất bất ngờ vì số tiền bạn tiết kiệm được hàng tháng!
Ảnh: Pexels
Bản quyền bài viết thuộc về Thanh Hải và flv.com.vn. Bạn có thể chia sẻ nhưng vui lòng không sao chép và đăng tải lại mà không dẫn nguồn hoặc phục vụ cho mục đích thương mại mà không có sự đồng ý của chúng tôi.