Một bài viết của tôi gần đây được đăng tải tại báo Cafef về việc lên kế hoạch cho tuổi nghỉ hưu. Bài đọc tham khảo tại đây. Có một điều mà tôi luôn hướng tới đó là: Hãy nghỉ hưu bất cứ khi nào bạn muốn chứ không phải bạn cần phải nghỉ do tuổi tác, không đáp ứng công việc hay vì lý do nào khác. Bạn đặt mình vào tâm thế chủ động, đưa ra những dự định nghỉ hưu trong tương lai thay vì trông chờ những khoản lương hưu (có thể không nhiều).
Nghỉ hưu tại doanh nghiệp không có nghĩa là chúng ta không làm việc nữa. Bạn thử làm công việc mà mình yêu thích hoặc dành thời gian nhiều cho gia đình và làm việc part-time mà vẫn có đủ tài chính. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng ngay cả khi nghỉ hưu dù ở độ tuổi 60 hay 70, nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ tiếp tục làm việc mình thích và lao động.
Tôi rất thích một bộ phim có tên “The Intern” của 2 diễn viên De Niro và Anne Hathaway. Bộ phim kể về Ben một người đã 70 tuổi – từng điều hành một công ty nhưng vẫn tiếp tục đi làm với vị trí thực tập sinh rất nhỏ bé, học cách sử dụng laptop và hòa nhập với một công ty hiện đại. Cảm nhận của tôi khi xem bộ phim đó là: Dù ở độ tuổi nào, lao động chính là một nét đẹp đáng được trân trọng. Lao động giúp ta cảm thấy mình sống chứ không phải tồn tại.
Bộ phim mà tôi vừa kể ý muốn nói rằng, nghỉ hưu không phải là ngừng lao động mà khi bạn nghỉ hưu, hãy tạo cho mình vững chắc về tài chính để làm những gì mình thích, kể cả quay trở về làm việc nhỏ như thực tập sinh, học hỏi những điều mới mẻ. Năm nay tôi gần 30 tuổi, không ai biết rằng khi tôi 70 tuổi tức 40 năm nữa, cuộc sống sẽ có những thay đổi gì. Khi đó, chúng ta đã có robot làm người giúp việc chưa? Du lịch không gian có dễ dàng không? Liệu công việc viết lách có những điều gì khác?
Bạn quyết định nghỉ hưu ở độ tuổi nào vì bất cứ lý do gì để có một cuộc sống thoải mái về tinh thần lẫn vật chất, hãy thử một số mẹo mà tôi liệt kê dưới đây. Hi vọng cuộc sống của bạn sẽ cải thiện và tạo một tương lai chắc chắn. Tự chủ về tài chính nghĩa là tự chủ cuộc sống của chính mình.
Luôn đặt một khoản tiền vào quỹ hưu trí tự động
Ở Việt Nam hiện nay, không có nhiều quỹ hưu trí như các nước phát triển để chúng ta đưa ra sự lựa chọn. Nhưng biết đâu, quỹ này sẽ xuất hiện trong các công ty chính, ngân hàng hay các công ty bảo hiểm trong thời gian sắp tới. Điều chúng ta cần lưu tâm đó là mức lãi suất có thể đạt được hằng năm, mức độ an toàn và rủi ro, mức độ đáng tin cậy của quỹ,… để lựa chọn cho mình một quỹ hưu trí phù hợp.
Thực tế, bạn hoàn toàn đặt tên một quỹ đầu tư dài hạn nào đó của mình là quỹ hưu trí. Đồng thời, hằng tháng bạn luôn trích một con số hợp lý với thu nhập vào quỹ này tự động. Nghĩa là bạn phải luôn đặt chính mình lên trước tiên, khi lương về, hãy tự trả cho bản thân vào quỹ hưu trí này.
Nếu làm việc hoặc tự đóng bảo hiểm xã hội đều đặn, ai cũng có ngay khoản tiền trợ cấp khi nghỉ hưu sau khi rời thị trường lao động theo độ tuổi được pháp luật quy định. Đây cũng là một khoản tiền bổ trợ cho những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống hằng ngày như ăn uống và các chi phi sinh hoạt khác.
Tuy nhiên, một số người nếu không để ý đến sổ bảo hiểm, thường xuyên nhảy hoặc nghỉ việc thì có thể không đủ thời gian tham gia đóng bảo hiểm của nhà nước hoặc doanh nghiệp không hoàn thành việc đóng bảo hiểm cho nhân viên. Bạn sẽ không được nhận trợ cấp lương hưu nếu không đủ số tháng đóng theo luật lao động. Vì thế, bạn cần thường xuyên theo dõi sổ bảo hiểm định kì mỗi năm để đảm bảo quyền lợi của chính mình.
Luôn đảm bảo có một tài khoản khẩn cấp để không ảnh hưởng đến quỹ hưu trí. Khá nhiều người nhập nhằng các loại tài khoản, không có sự thống nhất và dẫn đến chi tiêu “lẹm” mất số tiền dự định từ trước. Điều cần làm là phải thống nhất các tài khoản, các quỹ để dễ quản lý, thường không quá 5 hoặc 6 quỹ/tài khoản. Bạn cũng nên lập sổ sách theo dõi từng biến động của mỗi quỹ và đặc biệt, luôn sẵn sàng một quỹ khẩn cấp.
Trước khi thành lập quỹ dài hạn khác, bạn luôn chuẩn bị quỹ khẩn cấp này để thực sự chủ động trong những tình huống bất ngờ. Số tiền trích vào quỹ khẩn cấp thường 3 đến 6 tháng lương, khi đạt đủ số cần thiết thì không tiếp tục gửi tiền vào quỹ này mà chuyển những quỹ khác. Những khoản tiền này cài đặt tự động cắt tiền mỗi tháng.
Tránh nợ nần và không bị phân tâm bởi các khoản nợ nếu có
Nợ nần thì chẳng ai thích, nhưng nhiều trường hợp, bạn bắt buộc phải vay nợ để chi trả cho những trường hợp cần thiết hoặc cấp bách. Tuy nhiên, bạn hãy cố gắng tránh chạm đến quỹ hưu trí hay kế hoạch nghỉ hưu của mình. Bạn thử tìm cách xoay trả nợ trước bằng cách trả các khoản tiền tối thiểu, khoản nợ nhỏ lẻ đến lớn và làm việc chăm chỉ hơn. Nhiều người bạn tâm sự với tôi rằng, nợ nần giúp họ có động lực kiếm tiền hơn.
Tôi có một quan điểm của mình như sau: Chi tiêu đúng với bản chất thực theo tài chính của bản thân. Điều này có nghĩa là sao? Ví dụ, bạn kiếm được mức lương 10 triệu đồng và đang thuê trọ, chưa có tài sản cố định nào trong tay, bạn thuộc người có mức thu nhập thấp và cố gắng chi tiêu đúng với những gì mình đang có.
Thay vì, mua một đôi giày thể thao hàng hiệu tầm 1 triệu đồng hãy mua những đôi giày bình dân hơn, mức giá thấp hơn. Khi bạn tiêu 1 triệu đồng/tháng chỉ cho một đôi giày thì đã mất 10% thu nhập. Số tiền này có thể được dùng để đóng bảo hiểm hay chuyển vào tài khoản hưu trí.
Nếu vợ chồng bạn muốn mua một chiếc xe ô tô để đi lại nhưng nếu mua thì phải vay ngân hàng đến 300 triệu đồng chưa lãi suất. Bạn thử xem đó có phải là tài sản hay tiêu sản – thứ sẽ mất giá trị về mặt thời gian? Chưa kể, xăng xe và phí gửi ô tô cũng đắt đỏ. Liệu mua một chiếc ô tô – tiêu sản này có khiến gia đình bạn hạnh phúc hơn hay chỉ là cảm giác vui nhất thời?
Hạn chế nợ nần chính là chìa khóa cho mọi vấn đề mà nhiều bài viết của tôi luôn nhắc đến. Không có nghĩa rằng bạn không được phép nợ nần nhưng cố gắng không gây ảnh hưởng đến những kế hoạch dài hạn khác.
Một số mẹo để kìm hãm sự nợ nần, thực tế là kìm hãm chi tiêu như sau:
- Sử dụng tiền mặt và tránh mang thẻ tín dụng khi đi mua sắm.
- Mỗi khi mua hàng online, hãy để mặt hàng trong giỏ, tránh chốt đơn ngay tại thời điểm đó và chờ đến hôm sau. Tin tôi đi, hầu hết mọi người đều quên không mở lại giỏ hàng hoặc quên nó đi vì đó không phải là món đồ bạn cần phải mua. Cảm xúc tại thời điểm đặt và mở lại giỏ hàng khác nhau đã tác động đến quyết định mua của bạn.
- Không quan tâm đến flash sale vì có thể bạn sẽ mua những thứ mình không cần. Thực tế, nếu bạn vô tình thấy món đồ mình cần thì mua nhưng hãy để ý phí vận chuyển có phù hợp hay đáng giá đó không. Tôi cũng đã từng thử săn sale và đặt mua các món 1k, giá vận chuyển có thể giúp tôi mua được món tương tự trong siêu thị. Đôi khi, chúng ta nghĩ là rẻ nhưng thực tế không hẳn là như vậy.
- Chi tiêu cho chi phí sinh hoạt không được quá 50%. Điều này mình đã từng nhắc đến tại đây.
- Luôn lập kế hoạch chi tiêu cho gia đình và bản thân.
- Tự nấu ăn thay vì đi ăn ở ngoài gây những tốn kém khác.
Thanh toán hóa đơn tự động
Hóa đơn tự động ở đây là: Hóa đơn điện, nước, mạng wifi, điện thoại, phí chung cư,…. Không bao giờ bỏ lỡ thanh toán các khoản chi phí hằng tháng bằng cách cài đặt tự động trừ tiền trong tài khoản. Hiện này, nhiều ứng dụng của các ngân hàng cài đặt chế độ thanh toán tiền tự động mà bạn có thể sử dụng cho gia đình mình. Với điều kiện, số dư trong tài khoản ngân hàng luôn đủ để thanh toán các khoản phí này.
Ngoài ra, nếu bạn đang mua trả góp cũng có thể thử áp dụng phương pháp này để tránh trả chậm các khoản đã vay của ngân hàng. Bạn cũng đỡ mất thời gian kiểm tra và bị làm phiền bởi những tin nhắn, email nhắc nhở.
Thanh toán hóa đơn tự động cũng là một cách giúp bạn luôn bảo toàn quỹ hưu trí của mình. Khoản phạt vì trả chậm hay điện nước bị cắt sẽ dẫn đến sự lúng túng tìm cách giải quyết hậu quả. Đôi khi, chúng ta có thể sử dụng ngay khoản tiết kiệm đang có để thanh toán các hóa đơn này. Vì thế, bạn hãy tập cho bản thân cách chủ động chi tiêu hàng ngày, hàng tháng của gia đình mình.
Không tiêu những khoản tiền thưởng và tiền tăng trong tương lai
Khi có một khoản tiền tăng, nhiều người thường sử dụng như một món quà bằng cách nghĩ xem nên mua thêm món đồ gì, đi chơi hay ăn uống chỗ sang trọng hơn. Bạn có thể hưởng thụ cho mình một chút thành quả này nhưng hãy cố gắng kìm lại và tiết kiệm khoản này vào quỹ hưu trí.
Ngoài ra, bạn có thể chuyển sang các quỹ đầu tư khác như chứng chỉ quỹ, cổ phiếu hay trái phiếu,…. Hãy luôn tìm cách tăng giá trị tài sản trong tương lai.
Bạn có sẵn sàng lên kế hoạch để tự chủ, tự do về tài chính chưa? Tiết kiệm để nghỉ hưu là một bước chuẩn bị dài hạn và cũng là thách thức đối với những người trẻ. Bạn có thể coi việc đóng bảo hiểm nhân thọ là một khoản tiết kiệm hay trợ cấp sau nghỉ hưu là đủ.
Tuy nhiên, lãi suất trong gói bảo hiểm hay lạm phát có khiến tiền của bạn tăng lên theo thời gian hay không? Với việc chuẩn bị nghỉ hưu rất thấp như hiện nay, cuộc sống của bạn tương lai như thế nào tùy thuộc vào hành động tại thời điểm này.
Lập quỹ hưu trí chính là một trong những bước cần phải có trong kế hoạch tự do tài chính này chỉ bằng những cách đơn giản như tôi vừa chỉ ở trên. Thời gian đầu khi thực hiện có lẽ gây khó khăn vì buộc phải thay đổi nhiều thói quen cũ nhưng khi vượt qua được, bạn sẽ có nhiều động lực hơn trên con đường tự do tài chính cá nhân.
Ảnh: Pexels
Thuý Trang